Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc. Bởi vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là chủ trương, định hướng lớn huyện A Lưới trong nhiều năm qua.
Huyện ủy A Lưới đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 08/10/2021 về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 . Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được triển khai thực hiện khá đồng bộ và kịp thời. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều di tích được xếp hạng, khoanh vùng, cắm mốc. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Từng bước xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người A Lưới đến bạn bè trong nước và quốc tế
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Đặc biệt là Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng xếp hạng thành di tích lịch sử cấp Quốc gia. Việc đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy cho phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện A Lưới ngày càng đổi thay, phát triển
Làng văn các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả sẽ trở thành một biểu tượng sống động cho sự đa dạng văn hóa và là niềm tự hào của toàn huyện, là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, là cầu nối gắn bó cộng đồng dân cư, tạo thêm một điểm đến du lịch cho du khách và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của huyện A Lưới.
Về với miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế, đằng sau cánh rừng già bạt ngàn, bên con suối mát là hình ảnh bản làng đang ngày càng đổi mới và phát triển. Du lịch vùng cao tại huyện A Lưới đang là lựa chọn hấp dẫn mà du khách hướng đến. Đến với vùng cao Thừa Thiên Huế, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những giai điệu và điệu múa của các dân tộc nơi đây. Người Pa Cô nổi tiếng với điệu múa đón khách Đâm Trâu. Người Cơ Tu mang đến điệu múa Da Dả đầy hứng khởi hay những bước múa Ka Lơi uyển chuyển. Đồng bào Tà Ôi lại khiến du khách không khỏi say mê với điệu Răm Ân Dựt.
Vũ điệu của người Pa Cô
Không chỉ có những điệu múa, các bài hát dân gian như Cha Chấp, Nha Nhim hay Ru Y Con cũng vang vọng âm hưởng của núi rừng, đưa người nghe về với không gian đầy mộc mạc và yên bình. Kết hợp với âm thanh độc đáo từ các nhạc cụ truyền thống như đàn T’rưng, Ta Lư hay đàn Ân Trự, trống, khèn,... càng làm cho bức tranh văn hóa thêm phần phong phú và sống động.
Âm hưởng núi rừng qua từng làn điệu chính là nhịp đập của trái tim vùng cao, là minh chứng sống động cho sự phong phú và trường tồn của văn hóa dân tộc. Khi lắng nghe, thưởng thức và tham gia và tìm hiểu những giá trị này, mỗi chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những di sản quý báu của cha ông.