Nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số huyện A Lưới vốn rất đa dạng và phong phú. Mỗi dân tộc đều có các loại hình nghệ thuật với những nét đặc sắc riêng có, khó pha trộn trong tổng thể bức tranh đa sắc của văn hóa các dân tộc ở vùng cao A Lưới. Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đều mang âm hưởng, bản sắc riêng của từng dân tộc. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, âm nhạc vùng cao Thừa Thiên Huế vẫn âm thầm tồn tại như hơi thở của núi rừng. Là mảnh ghép sống của bức tranh văn hóa tại A Lưới.
Dân ca là loại hình âm nhạc truyền thống dân gian, được sáng tác và lưu truyền từ đời này sang đời khác, thường không rõ tác giả. Dân ca gắn liền với cuộc sống, lao động, tình cảm của người dân, phản ánh những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của mỗi vùng miền.
Dân ca
Dân nhạc là nhạc cụ dân gian trong cộng đồng âm nhạc của dân tộc thiểu số, với các hình thức biểu diễn có thể là solo hoặc tập thể. Những màn trình diễn này thường kết hợp với các điệu múa và hoạt động cộng đồng. Những nhạc cụ có giá trị về mặt giải trí. Đồng thời, mang trong mình các giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc của từng cộng đồng.
Dân nhạc
Dân vũ hay điệu múa dân gian là những vũ đạo phản ánh cuộc sống của người dân ở một khu vực lãnh thổ nhất định. Nó là một hình thức nghệ thuật biểu diễn mang tính cộng đồng, thường được thực hiện trong các lễ hội, sự kiện văn hóa hoặc các buổi tụ tập. Đặc điểm của dân vũ là thực hiện theo nhóm, tạo ra không khí vui tươi, gắn kết mọi người.
Dân vũ
Dân nhạc truyền thống có các loại nhạc cụ vốn được coi như biểu tượng của văn hóa các dân tộc, như Trống, Chiêng, Cồng, Khèn, Đool âl loh. Dân ca truyền thống như Ru ycon, Ân to’ch - Kâr lơiq, Ni nơơi, Câl tieel, Xiềng, Dân ca Cha chấp, Têr A Veenh, Kâr lơi, Nha Nhim, Kâr ô, Ân toong, A Bel. Dân vũ như Ri răm, Poon, ẹo, Âr dooc, Pa dưưn Ku ru, Chật Ty riaq, Za Zã…
Những loại hình nghệ thuật này đã gắn bó và làm phong phú đời sống đồng bào các dân tộc ngàn đời nay, là một bộ phận không tách rời trong kho tàng nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số
Có thể thấy, dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc luôn có sức sống bền vững với thời gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào, là một phần quan trọng trong nền văn hóa ngàn đời của các dân tộc được lưu giữ đến hôm nay. Âm hưởng dân tộc cũng là chất liệu thường thấy trong những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam khi sáng tác về miền núi theo nhiều phong cách khác nhau. Điều đó càng cho thấy sức sống bền vững của nghệ thuật dân gian dân tộc trong dòng chảy thời đại, giá trị vẹn nguyên của các loại hình văn hóa truyền thống đại diện cho nguồn cội dân tộc vẫn đang được các thế hệ tiếp nối, gìn giữ và phát huy theo những cách thức riêng.