Tiếng Tà Ôi (trong văn liệu quốc tế viết là Ta’Oi hay Ta’Oih) là ngôn ngữ của người Tà Ôi, một dân tộc có vùng cư trú truyền thống là Nam Lào (tỉnh Salavan, Sekong) và Miền Trung Việt Nam (Thừa Thiên Huế)
Tọa lạc tại làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, cách khu trung tâm chừng 7-8 km về hướng Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn sở hữu nét kiến trúc độc đáo theo lối “thượng gia hạ kiều”. Để đến đây, từ trung tâm thành phố Huế, bạn chạy thẳng theo đường Tố Hữu, đến cuối đường rẽ phải, đi tiếp đến điểm giao với đường Hoàng Quốc Việt thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng về hướng chợ cầu Ngói là tới.
Theo tài liệu, cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm 1776, nhờ công của bà Trần Thị Đạo - người cháu đời thứ 6 của một trong 12 vị đã có công khai phá và xây dựng làng Thanh Thủy. Chuyện kể rằng, khi sinh sống tại ngôi làng nhỏ gần sông, cảm nhận được nỗi vất vả của người dân khi phải dùng thuyền vượt sông vào ngày nắng cũng như ngày mưa bão hay những lúc rét mướt, bà quyết định bỏ tiền xây một cây cầu. Ngoài việc dùng để qua sông, cây cầu cũng có thể làm điểm dừng chân, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… của người dân trong làng.
Cầu được xây dựng trên một hệ thống gồm 3 hàng trụ đỡ làm bằng gỗ. Mỗi hàng gồm 6 cột, các hàng cột chống đỡ đều có trụ làm bằng đá. Để chống sụt lún, các hàng cột đều được gắn kết với nhau bằng một khối mộng. Ở hai đầu cầu, các thanh đỡ chạy dọc vào gian giữa được làm gãy khúc có phần hướng lên vừa để tạo hình cong cho cây cầu, vừa để tạo độ cao nhất định giúp thuyền bè qua lại. Hai bên thành cầu có 4 hàng cột, phía ngoài có thêm phần lan can bằng gỗ.
Cây cầu dài 16,85 mét, rộng 4,63 mét và được chia thành 7 gian. Gian giữa đặt một bàn thờ để thờ phụng và tỏ lòng thành kính với những người đã có công xây dựng công trình này. Còn hai bên, mỗi bên 3 gian, đều được làm các bục cao như những bộ bàn ghế trong nhà - nơi người qua đường có thể nghỉ ngơi, trò chuyện. Đây cũng là nét kiến trúc đặc trưng của những cây cầu được xây theo kiểu “thượng gia hạ kiều”.
Ở phía đầu cầu, có một khoảng đất rộng như một khu chợ nhỏ của người dân, cũng là nơi để bạn tham quan, tìm hiểu đời sống của người dân, thưởng thức các món ăn dân dã như chè truyền thống, bánh bột lọc, bún bò... hoặc là thử món cháo lòng mệ Tươi.
Lòng heo ăn kèm trong món cháo, sau khi được sơ chế cẩn thận, luộc chín, sẽ được mệ đặt riêng trong một chiếc rổ. Khi có khách gọi món, mệ lấy mỗi loại một ít, cắt nhỏ, cho vào tô, mới chế cháo đang sôi vào, nhờ nhiệt độ của cháo để làm nóng. Do cách chế biến và trình bày như thế, nên tô cháo của mệ có ngoại hình tương tự món canh lòng heo để ăn kèm cơm nóng hơn.
Một điểm thú vị khác là phần gia vị ăn kèm và chấm lòng của quầy hàng gồm một ít đường, ít muối và ớt bột Huế sẽ được chia thành 3 cụm nhỏ trên đĩa bản rộng. Khi ăn, tùy khẩu vị, thực khách có thể nêm nếm gia vị vào món cháo, cũng có thể trộn lẫn hay để riêng và chấm cùng thịt thà. Mệ Tươi bán cháo theo yêu cầu của thực khách, bạn có thể gọi một tô cháo 8.000 hay 20.000 đồng tùy sở thích.
Nếu không thích cháo lòng hay muốn trải nghiệm những món ăn dân dã Huế theo khẩu vị của dân bản địa, bạn có thể lang thang trong khu chợ, tìm món ăn mình muốn và thưởng thức. Giá các món tai đây khá mềm. Lưu ý nhỏ cho bạn là người bán hàng tại chợ sẽ có thể "nhìn mặt bán hàng" nên giá cho bạn có thể sẽ nhỉnh hơn giá bán cho dân địa phương.