Bài viết dựa trên cơ sở nghiên cứu thực trạng triển khai xây dựng nông thôn mới ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế từ việc thu thập và phân tích số liệu sơ cấp và thứ cấp trong giai đoạn 2011 - 2019. Từ đó, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt về nhóm chỉ tiêu kinh tế và tổ chức sản xuất đến năm 2025.
1. Đặt vấn đề
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là: “Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại” [3].
Thực hiện đường lối của Đảng, trong thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước nói chung và ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế - một huyện nghèo vùng núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, nói riêng. Theo đó, chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược của huyện nhà, đặc biệt là nâng cao chất lượng về mặt kinh tế.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài là xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện A Lưới.
- Không gian: Huyện A Lưới, Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Thời gian: Từ năm 2011-2019, phương hướng đến năm 2030.
- Nội dung: Phân tích và đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện A Lưới giai đoạn 2011-2019.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
+ Phương pháp chung: Sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để xem và phân tích đề tài một cách khoa học và khách quan.
+ Phương pháp cụ thể:
- Phương pháp thống kê mô tả: Đề tài sẽ sử dụng phối hợp phương pháp thống kê mô tả để mô tả quá trình xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện A Lưới.
- Phương pháp so sánh: Từ những kết quả đạt được, tác giả so sánh sự thay đổi về kinh tế trong các năm trở lại đây
- Phương pháp thu thập số liệu: Để có thông tin đầy đủ cho đề tài nghiên cứu, tác giả tiến hành thu thập số liệu ở các cơ quan gồm Chi cục Thống kê huyện A Lưới, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện A Lưới, Phòng Lao động thương binh xã hội huyện A Lưới. Dựa trên những tài liệu thu thập được, tác giả thống kê, đáng giá những kết quả đạt được.
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp phỏng vấn: Tác giả tiến hành phỏng vấn đại diện cơ quan Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện A Lưới về định hướng xây dựng nông thôn mới về kinh tế.
- Phương pháp quan sát thực tế: Tác giả tiến hành quan sát thực tế về sự thay đổi cơ sở vật chất của huyện.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Sau 10 năm thực hiện chương trình NTM ở huyện A Lưới, đã có 4/21 xã đạt tiêu chuẩn NTM với mức tiêu chí bình quân 13,6 tiêu chí đạt được; mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn so với 2010 là 19.76 lần.
Tổng nguồn lực đầu tư trong 10 năm (2011 - 2019) là 1.366,097 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh: 357,864 tỷ đồng - chiếm 26,2% trên tổng vốn; Ngân sách địa phương: 345,330 tỷ đồng - chiếm 25,3% trên tổng vốn; Vốn doanh nghiệp: 662,300 tỷ đồng - chiếm 48,5% trên tổng vốn; [1].
Kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM
Kết quả thực hiện theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, như sau:
3.1.1.1. Các xã đạt các tiêu chí NTM mới theo 5 nhóm:
+ Nhóm 1: Số xã đạt chuẩn là 04 xã , đạt 20%;
+ Nhóm 2: Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 1 xã; đạt 5%;
+ Nhóm 3: Số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 13 xã , đạt 65%;
+Nhóm 4: Số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là 02 xã , đạt 10%;
+Nhóm 5: Dưới 5 tiêu chí: Không có.
3.1.1.2. Mức độ đạt chuẩn theo từng tiêu chí toàn huyện
- Tiêu chí số 1 - Quy hoạch: có 19 xã , đạt 95%; tăng 3 xã so với năm 2011
- Tiêu chí số 2 - Giao thông: có 13 xã , đạt 65%; tăng 3 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 3 - Thủy lợi: Có 18 xã , đạt 90%; tăng 08 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 4 - Điện: Có 20 xã , đạt 100%;
- Tiêu chí số 5 - Trường học: Có 7 xã , đạt 35%; giảm 3 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa: Có 10 xã, đạt 45%; tăng 07 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: Có 18 xã, đạt 90%; tăng 2 xã so năm 2011;
- Tiêu chí số 8 - Thông tin và truyền thông: Có 20 xã, đạt 100%;
- Tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư: Có 15 xã, đạt 75%; tăng 3 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 10 - Thu nhập: Có 04 xã, đạt 20%; tăng 3 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 11 - Hộ nghèo: Có 04 xã, đạt 20%; giảm 1 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 12 - Lao động có việc làm: Có 17 xã, đạt 85%; tăng 4 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất: Có 8 xã, đạt 40%; tăng 03 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 14 - Giáo dục và đào tạo: Có 16 xã, đạt 80; giảm 1 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 15 - Y tế: Có 20 xã, đạt 100%; tăng 01 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 16 - Văn hóa: Có 18 xã, đạt 90%; tăng 05 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm: Có 9 xã, đạt 45%; tăng 06 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 18 - Hệ thống tổ chức, chính trị và tiếp cận pháp luật: Có 17 xã, đạt 80%; tăng 03 xã so với năm 2011;
- Tiêu chí số 19 - Quốc phòng - An ninh: Có 20 xã , đạt 100% tăng 06 xã so với năm 2011.
3.1.1.3. Phân tích sâu về nhóm tiêu chí Kinh tế và tổ chức sản xuất
Bảng: Hiện trạng nội dung phát triển sản xuất, thu nhập
hien_trang_noi_dung_phat_trien_san_xuat_thu_nhap Nguồn: [1]
Hiện nay, đời sống khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 19,86 triệu đồng, tăng 2,26 triệu đồng/người/năm so với giai đoạn I (17,6 triệu đồng/năm 2015).
Sản xuất nông nghiệp có những bước chuyển biến tích cực. Cụ thể:
+ Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với việc liên kết theo chuỗi giá trị; Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến. Chỉ đạo nhân dân cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, mô hình rau sạch…; ổn định diện tích lúa nước, tăng tỷ lệ sử dụng giống cấp 1 trên 95%.
+ Khuyến khích đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, chăn nuôi gia cầm và nuôi cá theo hướng thâm canh tập trung, đảm bảo an toàn môi trường, dịch bệnh gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng - chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
+ Huyện đã lựa chọn một số mô hình có hiệu quả để phát triển nhân rộng, từng bước hình thành cánh đồng mẫu, thực hiện thành công cơ giới hóa vào nông nghiệp tạo mối liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị. Cụ thể như sau:
Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm, năm 2019 ước đạt 6.160 ha, tăng 1.178 ha so với năm 2011 (4.982 ha); tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 16.880 tấn, tăng 3.752 tấn so với năm 2011 (13.128 tấn). Nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ, đã đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: Giống lúa xác nhận, giống ngô lai, giống sắn KM94 vào sản xuất diện rộng,...
+ Mô hình trồng rau an toàn và hoa: Có 11 hộ/4.300m2 tại các xã Sơn Thủy, A Ngo,... Hiện nay, các hộ sản xuất ổn định, thu nhập bình quân 300.000 - 400.000đ/ngày/vườn.
+ Chăn nuôi - Thú y: Tổng đàn gia súc 44.500 con, tăng 12.666 con so với năm 2011 (31.834 con); Tổng đàn gia cầm 350.000 con, tăng 188.130 con so với năm 2011 (161.870 con). Đã phát triển mạnh những vật nuôi lợi thế như: Bò, dê, gà thả vườn, đã có trang trại chăn nuôi gia cầm, doanh thu bình quân gần 2 tỷ đồng/năm.
+ Lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng trồng lại 2.000 ha/năm. Diện tích rừng sản xuất khai thác hàng năm 2.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/ năm. Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2020 - 2025; giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý khoảng 14.500 ha/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Thành lập các Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững.
Thủy sản: Tổng diện tích ao hồ toàn huyện 242,8 ha; sản lượng 830,0 tấn. Triển khai nuôi cá lồng trên hồ thủy điện A Lưới.
Kinh tế tập thể: Đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn năm 2018 - 2025. Từ năm 2011 - 2019, đã thành lập 19 Hợp tác xã, song đa số các hợp tác xã hoạt động hiệu quả kinh tế chưa cao.
- Các hoạt động dịch vụ thương mại phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và tăng thu nhập cho người lao động;
- Đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật: Năm 2019, số người trong độ tuổi lao động có việc làm 20.255 người. Trong đó: Lao động trong nông lâm nghiệp, thủy sản có 15.104 người, chiếm 74,57%. Từ năm 2011 - 2019, liên kết với các đơn vị, tổ chức đã đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao công nghệ về nuôi trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi.
Hiện nay, toàn Huyện có:
- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí Thu nhập là 20% so với mức thu nhập bình quân đầu người 19,8 triệu đồng/năm.
- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí Lao động và việc làm là 91,8%.
- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất là 55% với số xã có Hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã 2012 là 100%.
- Tỷ lệ số xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững là 7 xã.
- Số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 2.831 lao động năm 2019.
- Số lao động nông thôn, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đạt 141 lao động năm 2019.[5]
* Giảm nghèo và an sinh xã hội
- Hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015: Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chiếm 23,31%; Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chiếm 13,02%;
- Hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2019: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 20 xã - chiếm 35,04%. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện là 21,51% (trong đó khu vực Nông thôn là 24,8%); [4]
- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí hộ nghèo là 20%;
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo/năm đạt 3%.
Thực hiện tốt công tác“Đền ơn đáp nghĩa”; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Hàng năm, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà kịp thời trong những dịp lễ, tết (quà Chủ tịch nước, quà tỉnh, huyện) cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các hộ gặp khó khăn.
3.2. Một số giải pháp nhằm thực hiện xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
3.2.1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân
- Huyện cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2025 theo định hướng tăng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ đạt 24%/năm, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 22%/năm, duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp bình quân trên 9%/năm. Huyện phải có chủ trương, chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ và tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại,... chú trọng xây dựng một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ như ở Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái,… để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp ở địa phương.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ giúp người dân nâng cao được thu nhập, từ đó nâng cao mức sống, giảm tỷ lệ nghèo đói, bệnh tật.
3.2.2. Phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của các hộ gia đình sản xuất
Tăng cường hỗ trợ hộ sản xuất tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông lâm sản hàng hóa, phát triển sản xuất theo các hợp đồng, theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Dự báo thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thương mại, kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại; được ưu tiên mời tham dự các hội thảo về thương mại, dự báo thị trường, dịch vụ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp.
Mở rộng thị trường tại chỗ kết hợp đẩy mạnh hoạt động marketing sản phẩm nông sản: Chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng cáo, quảng bá sản phẩm, xúc tiến xây dựng các trang web giới thiệu nông sản, tăng cường công tác thông tin thị trường.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đầu tư mở rộng kho bãi, tăng khả năng thu mua, dự trữ sản phẩm để bình ổn giá; đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến,... Các hộ sản xuất tổ chức sản xuất dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, thị hiếu của người tiêu dùng.
3.2.3. Tập trung huy động lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới
Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn phân bổ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai công tác lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, tỉnh, vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa các dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình Nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư.
Tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41 của Chính phủ.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các xã nông thôn mới. Tranh thủ nguồn vốn từ các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết trong sản xuất, vốn tín dụng thương mại, tín dụng nhà nước và các tổ chức tín dụng khác trong triển khai thực hiện.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hàng năm; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới.
3.2.4. Đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới
Huyện cần tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 70%-80% nông dân, tổ chức lại sản xuất tiến tới sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động trẻ. Tiếp tục thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2025”, trong đó việc huyện cần đầu tư các trung tâm dạy nghề, giáo viên, đội ngũ dạy nghề, hướng nghiệp cần tránh lãng phí.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo về quy trình quản lý, các lớp chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể các lao động về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật làm đất và các ứng dụng khoa học mới vào sản xuất và hướng dẫn người lao động sử dụng công cụ, máy móc, thiết bị, chuyển giao kỹ thuật sản xuất các loại giống mới, các biện pháp canh tác mới.
Đẩy mạnh tổ chức thị trường lao động nông thôn ở cơ sở bằng cách thông qua các đoàn thể xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… để làm nơi cung cấp thông tin về việc làm. Từ đó, tạo thuận lợi cho người lao động và chủ trang trại trong việc tìm kiếm việc làm và thuê mướn lao động, nhất là vào giai đoạn cao điểm như mùa gieo mạ và thu hoạch.
4. Kết luận
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã đánh giá được tình hình xây dựng nông thôn mới về kinh tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện A Lưới, từ đó rút ra được những thành tựu và tồn tại cần giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về kinh tế cần phát triển với những tiềm năng, lợi thế của huyện theo hướng bền vững, cần thực hiện tốt các giải pháp chung và riêng cho các xã. Tích cực giải quyết những vấn đề mang tính cốt lõi trong phát triển kinh tế, đó là: Nâng cao nhận thức, trình độ nguồn nhân lực về kiến thức kinh doanh, cách thức quản lý, đào tạo kỹ thuật chuyên môn, công nghệ;. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế cho các xã, tạo niềm tin cho các hộ dân trong quá trình đầu tư phát triển lâu dài và bền vững.
TCCT ThS. NGUYỄN THẾ THÌN (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế), ThS. NGUYỄN THỊ QUÝ (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai), ThS. NGUYỄN TRẦN NGỌC TUẤN và ThS. ĐÀO THỊ CẨM NHUNG (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
UBND huyện A Lưới (2020). Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 của huyện A Lưới;
Trần Thị Duyên (2016), Đánh giá kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Trường Đại học Kinh tế Huế;
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
UBND huyện A Lưới (2020). Nghị quyết số 02/NQ-HU ngày 06/10/2010 về xây dựng xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới huyện A Lưới giai đoạn 2011 - 2015;
UBND huyện A Lưới (2016). Niên giám Thống kê huyện A Lưới 2016;
Đỗ Tiến Sâm (2008), Vấn đề Tam nông ở Trung Quốc, thực trạng và giải pháp, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.