Nghi thức Cúng dâng Dèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng.
Dệt Dèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Tà ôi. Các cô gái người Tà ôi từ tuổi trăng tròn đã biết trồng bông xe tơ dệt vải. Những hoa văn tinh xảo được luồn bằng hạt cườm thể hiện rõ nét hình ảnh cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên, con người, mang đậm văn hóa tâm linh người Tà ôi.
Trong đời sống tinh thần của người Tà ôi, Dèng không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc, Dèng còn được xem là tài sản quý thể hiện quyền quý, giàu sang, tâm thế và vị thế của người sở hữu. Dèng còn để làm lễ vật hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai; cho ông bà thông gia; cho chàng rể quý. Dèng còn dùng để trang trí, làm đẹp tổ ấm, làm đẹp nhà Rông, làm đẹp nơi linh thiêng của gia đình, họ tộc và khi dâng lễ cúng Giàng hay các lễ hội trọng đại của làng. Dèng là của cải để trao đổi hàng hóa, giao lưu, buôn bán, làm cho gia đình ấm no, bản làng giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc.
Với lợi ích, giá trị của Dèng mang lại nên trong các dịp lễ hội, đặc biệt trước khi đi bán Dèng ở nơi xa, người Tà ôi tổ chức Lễ dâng Dèng. Lễ dâng Dèng của người Tà ôi gồm các nghi thức sau: Khâu chuẩn bị; Làm Lễ dâng Dèng; Mừng lễ cúng dâng Dèng thành công, an lành.
Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Dèng đã được các thế hệ người Tà ôi lưu truyền, gìn giữ, phát triển đến hôm nay. Hiện tại, trên địa bàn huyện A Lưới có 4 HTX dệt dèng hoạt động thường xuyên, tạo ra những sản phẩm dèng không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tà ôi mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình, bản làng. Các sản phẩm Dèng A Lưới đã có mặt trên toàn quốc và một số nước ngoài. Nhiều nhà thiết kế đã chọn Dèng A Lưới để xây dựng tạo mẫu thời trang như: nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh đã tạo ra bộ sưu tầm mang hơi thở dân tộc và hiện đại, trình diễn giới thiệu quảng bá ở các sàn diễn lớn trong nước và quốc tế. Nghề dệt Dèng huyện A Lưới đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, vinh dự của đồng bào dân tộc Tà ôi nói riêng đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nói chung.