Món ăn vặt
Văn hóa của người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thừa Thiên - Huế là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam có tọa độ ở 16 - 16,8 Bắc và 107,8 - 108,2 Đông. Diện tích của tỉnh là 5.053,990 km², dân số theo kết quả điều tra tính đến năm 2012 là 1.115.523 người. Thừa Thiên - Huế có 06 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố, với 152 xã, phường, thị trấn, gồm có 8 thị trấn, 39 phường và 105 xã.

Thừa Thiên - Huế là địa bàn sinh sống chủ yếu của các dân tộc Bru - Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi. Trải qua quá trình sinh sống lâu dài, các dân tộc này đã tạo cho mình bản lĩnh dân tộc và nét văn hóa đặc trưng, thống nhất trong đa dạng, làm nên một tiểu vùng văn hoá ở phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bài viết tập trung tiếp cận nét văn hóa của người CơTu để thấy được nét đặc trưng trong sinh hoạt, lối sống của dân tộc đặc thù này.

Người Cơtu chủ yếu tập trung ở huyện Nam Đông và số ít hơn ở các xã Hương Lâm, Hương Nguyên, Hồng Hạ, Hồng Thượng và thị trấn A Lưới thuộc huyện A Lưới. Cũng giống các dân tộc thiểu số khác trên dãy Trường Sơn, trước 1975, người Cơtu sống với nghề nương rẫy, trồng lúa khô. Ngoài lúa, đồng bào còn xen canh các loại bắp, kê, đậu,... Một số loại cây như dứa, mít, chuối cũng được trồng ở bìa rẫy hoặc gần nhà. Lợn, gà được nuôi theo lối thả rông. Săn bắn, hái lượm và đánh cá là những công việc được bà con làm khi rỗi vụ. Nghề đan lát ở đây khá nổi tiếng: các đồ gia dụng như mâm, rá đựng cơm, giỏ đựng dao rựa, ống đũa, hộp đựng xôi, các loại gùi, các loại nong nia để sàng sẩy gạo,... được làm bằng mây tre rất tinh xảo, và người phụ nữ Cơtu còn biết dệt vải dzèng truyền thống để phát triển kinh tế gia đình.

Làng của người Cơtu có chừng 20 đến 40 nóc nhà, nhà này cách nhà kia độ 5 - 7m, được xếp theo hình tròn, hình bầu dục hay đa giác, với chu vi chừng 1km. Mỗi làng có công trình công cộng như nhà làng, máng nước, nghĩa địa và hàng rào làng. Đứng đầu làng có chủ làng, là một già làng có đầy đủ uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, có khả năng suy xét để xử đúng trong các vụ kiện tụng, có tài ăn nói để ngoại giao, được dân làng bầu lên. Trong làng có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ có tập quán kiêng cữ riêng liên quan đến dòng họ mình. Như dòng họ nhận con vật nào làm vật tổ thì không gây hại hay ăn thịt con vật đó: dòng họ Acho (con chó) kiêng ăn thịt chó; dòng họ N’drok (con bò) kiêng ăn thịt bò; dòng họ Avô (con vượn) kiêng ăn thịt vượn;...Trai gái cùng dòng họ cho dù đã quá nhiều đời vẫn không được lấy nhau, trong lúc con trai cô được phép lấy con gái cậu.

Trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu, quan niệm về “vạn vật hữu linh”, những tập tục kiêng cữ vẫn còn in đậm trong nếp nghĩ, được áp dụng khá khắt khe trong sinh hoạt và sản xuất. Họ có những lễ tục liên quan đến tô tem. Ngoài ra, người Cơ tu còn có các lễ tục thờ thần bản mệnh, ma thuật chữa bệnh, ma thuật làm hại, lễ hội. Lễ đâm trâu có nguồn gốc từ tục hiến sinh cầu mùa xa xưa. Lễ này có thể được tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Bên cạnh đó, kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Cơ tu độc đáo với nhiều bài hát, điệu múa, bài thơ, truyện kể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; nghệ thuật điêu khắc và trang trí truyền thống cũng rất tinh xảo với những bức vẽ, chạm khắc ở nhà gươl, những bức tượng khoả thân treo ở cổng làng hoặc những bức tượng rất đa dạng phản ánh nhiều tâm trạng của con người ở xung quanh các nhà mồ...

Người Cơtu trước đây có tục nam nữ đến tuổi trưởng thành đều phải cưa các răng cửa đến sát lợi. Cưa răng xong, xã hội mới công nhận sự trưởng thành, mới có thể tính chuyện hôn nhân, và tham dự các sinh hoạt của cộng đồng với tư cách là một thành viên chính thức. Hình thức hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên chồng, về nguyên tắc là ngoại hôn, một chiều và dây chuyền. Tuy nhiên, còn những biểu hiện của hôn nhân nguyên thuỷ (hôn nhân cướp đoạt; hôn nhân anh em chồng; hôn nhân chị em vợ; đàn bà goá còn có thể ăn ở với bố chồng, cũng như con trai có thể ăn ở với vợ lẽ của bố đẻ hoặc bố vợ khi bố đẻ hay bố vợ qua đời…). Chế độ phụ quyền ở người Cơ Tu đã khá vững chắc, người chủ gia đình, có quyền hành và được thừa kế tài sản đều là đàn ông. Ngoài ra còn có nhiều hình thức hôn nhân: Hôn nhân gọi mở cửa thường gặp nhất, khi đôi trai gái đã tìm hiểu nhau về báo cho gia đình mình, nếu nhà gái chấp nhận thì nhà trai tìm người mối, để thoả thuận về đồ sính lễ và các nghi thức liên quan; Hôn nhân xách gùi, khi chàng trai nhà nghèo hay mồ côi không đủ đồ sính lễ, được nhà gái cho ở chung rồi gả con cho...

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Cơtu, truyện cổ tích được nhắc đến nhiều như:

 - Nguyễn Tri Hùng: Truyện cổ Cơtu. NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1992.

 - Nghiêm Đa Văn: Truyện cổ tích Việt Nam. NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2000.

 - Trần Nguyễn Khánh Phong: Chàng Phuật Nà (Truyện cổ Tà ôi, Cơtu). NXB Thuận Hóa, Huế, 2006.

 - Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ các dân tộc thiểu số A Lưới. Giải Khuyến khích Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2011. Bản thảo chưa xuất bản.

 - Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ dân tộc Cơtu. Bản thảo, 2012.

Điều này chứng tỏ được rằng, người Cơtu có một kho tàng phong phú về số lượng văn bản lẫn giá trị nghệ thuật trong từng câu chuyện kể.

Trong truyện cổ Cơtu nổi lên nhân vật người mồ côi, hay gặp là các chàng mồ côi. Các chàng mồ côi thường nghèo khổ, vì vậy mà khó thuyết phục được bố mẹ của những cô gái khi muốn cưới các nàng. Bù vào đó, người mồ côi thường tốt bụng và có quyết tâm, nỗ lực lớn hơn người khác; chưa nói các chàng thường được thần linh trợ giúp, tiêu biểu như Tơ Rứt, Kăn Tưi, Sut Kăn Mo, hoặc các vị thần.

Ngoài ra còn nhiều truyện cổ như: truyện Tơ Rứt Kalang Batưng, truyện Nàng Palo và chàng Kăn Tưi, Nàng Kăn Tưi, Sut Kăn Mo, Partur Tơơm... đều mang yếu tố thần kì, người đội lốt thú, hoặc các bộ phận của con thú như chiếc ngà voi, hoặc con của vị thần nào đó....

Đời sống văn hóa: Người Cơ-tu rất nổi tiếng với các điệu múa phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc. Nghệ thuật điêu khắc và trang trí truyền thống cũng rất độc đáo với những bức vẽ, chạm khắc ở nhà gươl, ở cổng làng và các bức tượng xung quanh các ngôi nhà mồ.

Như vậy, có thể thấy người Cơ tu ở Thừa Thiên Huế mang những nét đặc sắc riêng từ phong tục tập quán, lễ hội tín ngưỡng trong sinh hoạt và trong đời sống. Bài viết phần nào cho thấy những giá trị văn hóa, tinh thần qua cái ăn, cái mặc và đặc biệt là kho tang truyện cổ được lưu truyền rộng rãi từ nhiều thế hệ và phát huy cho đến ngày nay.

Phòng TS-TT-CTSV
https://daihocdulich.edu.vn/
Approved Trang thai
Các bài khác