Pa kô là dân tộc thiểu số, sống trên dãy Trường Sơn, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Trị trở và Thừa Thiên Huế. Cuộc sống của người Pa kô gắn liền với thiên nhiên hoang dã với những nét riêng độc đáo trong phong tục tập quán và các sinh hoạt văn hoá.
Dân tộc Pa kô hiện có hơn 50.000 người, định cư chủ yếu ở các huyện miền núi A Lưới ( tỉnh Thừa Thiên Huế) và các huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Trong lịch sử phát triển, người Pa kô sống xen kẽ với người Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều nên có nhiều đặc điểm khá tương đồng về phương thức canh tác và trang phục cũng gần giống với nhóm các dân tộc này. Tuy nhiên, tiếng nói của dân tộc Pa kô là ngôn ngữ độc lập.
Dân tộc Pa kô có lịch sử phát triển lâu đời và mang nét riêng. Cộng đồng người Pa kô ngày nay vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc di cư của dân tộc mình. Ông Hồ Văn Hạnh, già làng dân tộc Pa kô ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, kể: “Theo truyền thuyết của dân tộc Pa kô từ xa xưa, người Pa kô không sinh sống trên dãy Trường Sơn như hiện nay, mà sống ở vùng đồng bằng tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ. Chuyện kể rằng, người Pa kô vì thật thà nên bị thua trong cuộc thi xây thành, nên phải bỏ vùng đồng bằng để đến cư trú ở nơi đồi núi. Người Pa kô sống ở nhiều nơi, nhưng trong đời sống sinh hoạt vẫn có những đặc điểm riêng biệt không lẫn với dân tộc khác”.
Từ bao đời nay người Pa kô (nghĩa là “người bên núi”) cư trú theo bản. Trước đây, mỗi bản thường có 5-10 nhà sàn dài, được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, mái nhà lợp lá rừng. Người dân trong bản chủ yếu là bà con cùng dòng tộc nội, ngoại, rất ít người ngoài. Nhà dài truyền thống có nhiều vách ngăn, gồm nhiều bếp lửa của nhiều hộ gia đình cùng chung sống. Các dãy nhà sàn được dựng quây quần quanh một khoảng sân lớn giữa làng. Ở giữa sân có một cây cột lớn. Vào những dịp lễ hội, cây cột này được trang trí thành cây nêu. Đây là trung tâm của cả làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội của cả cộng đồng. Khoảng sân này cũng đủ rộng để tổ chức lễ hội đua voi, thực hiện các nghi lễ cúng voi theo truyền thống của người Pa kô. Theo truyền thống, người Pa kô luôn coi voi là con vật quý nhất, thể hiện sự giàu sang của mỗi gia đình, dòng họ trong buôn làng. Già làng Hồ Văn Hạnh cho biết thêm: “Trước đây làng Pa kô nào cũng nuôi voi. Người Pa kô thường chọn vùng đất cao, có độ dốc lớn để dựng làng. Đây cũng là điều kiện để nuôi voi. Trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người Pa kô ủng hộ cách mạng bằng việc tham gia vận tải bằng voi. Những đàn voi của người Pa kô vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm rất hiệu quả, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến”.
Phóng viên Tô Tuấn (áo xanh, ngồi ngoài cùng bên phải) với gia đình già làng Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa kô ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: PV/VOV5)
Trong đời sống văn hóa tinh thần, đồng bào dân tộc Pa kô có nhiều lễ hội mang màu sắc tin ngưỡng như: Pul Boh (lễ giữ rẫy), Ada (ngày hội mùa) và Ariêu Ping (lễ bốc mả). Nếu như ở lễ cúng Ada thể hiện mong ước cầu mong thần cho mỗi nhà, mỗi bếp trong từng gia đình cũng như cả làng được bình yên, con người được mạnh khỏe, mùa vụ năm tới bội thu, thì lễ cải táng mồ mả (A riêu ping) được tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật. Cứ 5-7 năm người Pa kô lại tổ chức lễ A riêu ping xây sửa trang trí lại lăng mộ của tổ tiên và các dòng họ. Người Pa kô coi đây là công việc chung và cũng là lễ hội của cả làng. A riêu ping cũng là nghi lễ đặc trưng, mang đặc điểm riêng của người Pa kô. Người Pa kô ngày nay dù sinh sống ở những địa bàn khác nhau, nhưng vẫn giữ phong tục lễ hội này.
Bên cạnh các lễ hội, người Pa kô còn có kho tàng văn hóa dân gian phong phú với những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo như: Cha chấp, A dên, Ka lơi, oát, tà ôi. Người Pa kô cũng chế tác và sưu tầm nhiều loại nhạc cụ độc đáo để diễn xướng cùng các làn điệu dân ca.
Ngày nay dù cuộc sống có nhiều đổi thay, người Pa kô vẫn được biết đến là một cộng đồng dân tộc có các đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Người Pa kô hiện vẫn lưu giữ được nhiều phong tục, lễ hội thể hiện sự gắn bó trong cộng đồng dân cư, trong đó nổi bật là tinh thần đoàn kết cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm.