Di tích, chùa chiền, lăng tẩm
Văn hóa dân tộc Tà Ôi
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Dân tộc Tà Ôi - tên tự gọi là Ta ôih, có vùng phát âm là Ta uôih hay Ta uốt và trong thư tịch cũ gọi là Ta hoi, Tôi ôi phân bố ở huyện Hướng Hóa - Quảng Trị, A Lưới và Phong Điền của Thừa Thiên Huế. Cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Nhóm Tà ôi chính dòng, nhóm Pa cô và nhóm Pa hi. Các dân tộc Tà Ôi, Bru-Vân Kiều và Cơ tu sống kề cận nhau, có cùng hoàn cảnh lịch sử-xã hội, nên các nét văn hoá càng gần nhau và có thể coi là một cộng đồng tộc người ngôn ngữ-văn hoá.
Nghề dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi
Nghề dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi

Nguồn sống chủ yếu của người Tà Ôi là làm rẫy (đa canh và du canh theo lối cổ truyền: phát - cốt - đốt - trỉa), riêng người Pa hi vì sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên có làm ruộng, người Tà Ôi là cư dân sớm có thu nhập hoa lợi trên vườn, tuy vườn chưa có khuôn viên, nhưng đã có cây ăn quả như mít, cam, bưởi, muỗm, v.v. . Ngoài ra, người Tà Ôi có truyền thống chăn nuôi đại gia súc (trâu, lợn, dê, bò…) để làm vật hiến sinh và bán cho miền xuôi, bán sang Lào...

Tương tự các dân tộc thiểu số sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, làng người Tà Ôi theo kiểu làng tròn, làng phòng thủ, làng hình móng ngựa… công trình công cộng đều xây dựng giữa làng, nhà dân vây quanh nhưng đảm bảo nguyên tắc các cây đòn nóc nhà không có hướng đâm vào nhau. Nhà ở của người Tà ôi là loại nhà sàn tổng hợp, riêng người Pa hi ở nhà đất (có nhà ở riêng và nhà chứa lương thực riêng), nhưng cả nhà sàn và nhà đất đều có mái tròn ở hai đầu hồi nhà và đều có “khau cút”(làm bằng gỗ có hai hình đầu chim cu chéo nhau, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc trên phần mái hồi tiếp giáp với đầu nóc) - đây là đặc điểm để phân biệt ngôi nhà của người Tà Ôi với các dân tộc khác cùng ngữ hệ ở vùng này. Trong gia đình Tà ôi, quyền thừa kế tài sản thuộc về con trai, song sự ưu tiên cho con trai cả chưa rõ, dù anh ta có vai trò chủ trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và luôn được ở gian đầu của ngôi nhà. Người Tà ôi ăn mặc đơn giản và dùng một số loại trang sức đeo tại cổ, cổ tay, cổ chân hoặc trang điểm trên cơ thể (để mái tóc, cà răng cửa, xăm hình…). Ngày nay, lớp người trẻ đã từ chối không sử dụng cách trang sức theo kiểu cà răng và xăm mình.

 Xã hội cổ truyền của người Tà ôi là xã hội chưa có giai cấp, xã hội nguyên thuỷ ở thời kỳ tan rã. Tuy vậy, đã có sự phân hoá giàu nghèo, mỗi làng có 1-2 người giàu và 1-2 người tôi tớ hay nô lệ. Đơn vị xã hội cơ bản của người Tà ôi là vel hay vil giống như ở người Cơ tu và Bru-Vân Kiều, tương ứng với làng của người Việt. Cư dân mỗi làng thường gồm nhiều dòng họ khác nhau, mỗi dòng họ sống trong một hay nhiều ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có một người đứng đầu (đầu nóc). Những người đứng đầu nhà dài đó họp thành bộ máy tự quản cổ truyền quản lý mọi công việc chung của làng.

Quan hệ hôn nhân, gia đình ở người Tà ôi có nhiều nét giống với người Cơ tu và Bru-Vân Kiều - đã chuyển sang chế độ phụ hệ, cư trú phía nhà chồng, đồng thời còn mang nhiều tàn dư của thời mẫu hệ. Người Tà ôi đến nay vẫn thực hiện ngoại hôn theo một đơn vị huyết thống gọi là yă, những người đã cùng yă thì không được có quan hệ tính giao, quan hệ thông hôn. Hiện nay, gia đình người Tà Ôi có xu hướng chuyển sang gia đình nhỏ, những ngôi nhà dài xưa ngày càng mất đi nhường chỗ cho những ngôi nhà chỉ có 1 cặp vợ chồng và con cái.

Cũng giống như các dân tộc Cơ tu, Bru-Vân Kiều, kho tàng sáng tác nghệ thuật dân gian và hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng của người Tà ôi rất đa dạng, phong phú, chỉ khác nhau ở một vài chi tiết của sự thờ cúng và cách tiến hành nghi lễ. Người Tà ôi quan niệm có các thần linh tự nhiên (yang), thần linh của đất làng (yang sự) và các yang này đều có vật ký thác là những hòn đá có hình thù người hay con vật nào đó, được thờ trong nhà rông (nếu có) hoặc trong ngôi miếu (parong) trong rừng. Lễ cải táng (rơ pớp) là lễ lớn nhất trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở người Tà ôi, được cúng chung cho cả làng sau đó mới làm riêng ở gia đình có việc; lễ này đồng thời là ngày hội lớn của dân làng, mọi người ăn uống linh đình trong vài ngày rất tốn kém, còn việc cải táng chỉ làm đơn giản là mang hài cốt chuyển đến chôn chung trong nghĩa trang của làng hoặc khu vực riêng của dòng họ, gia đình. Ngoài ra còn có tục thờ thần của cải (yang panuôl), hồn lúa (yang sro) và các lễ cúng kèm theo như lễ apiêr, lễ aja.

https://thuathienhue.gov.vn/
Approved Trang thai
Các bài khác