Di tích, chùa chiền, lăng tẩm
Lễ cưới người Pa Cô
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Người Pa Cô thường biết đến với những đêm "đi sim" lãng mạn hay những câu dân ca ngọt ngào làm say đắm lòng người, qua đó giúp nhiều đôi nam nữ tìm thấy người bạn trăm năm. Nhưng để chính thức thành vợ thành chồng, họ phải trải qua lễ cưới với nhiều nghi thức và phong tục vô cùng độc đáo.
Đôi vợ chồng tại lễ cưới người Pa Cô.
Đôi vợ chồng tại lễ cưới người Pa Cô.

Trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt-Lào năm 2019, hoạt động tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa Cô đã thu hút đông đảo du khách và người dân tham dự.

Đó là sự kiện người dân A Lưới (Thừa Thiên-Huế) muốn giới thiệu đến du khách nét văn hóa mang giá trị tinh hoa, nhân văn, dấu ấn sâu sắc của đồng bào dân tộc Pa Cô sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ.

Thông điệp đón nhận dâu hiền

Người Pa Cô thường biết đến với những đêm "đi sim" lãng mạn hay những câu dân ca ngọt ngào làm say đắm lòng người, qua đó giúp nhiều đôi nam nữ tìm thấy người bạn trăm năm. Nhưng để chính thức thành vợ thành chồng, họ phải trải qua lễ cưới với nhiều nghi thức và phong tục vô cùng độc đáo.

Già làng Hồ Văn Sếp, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, truyền thống xa xưa, con trai hay con gái sau thời gian tìm hiểu yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải có trách nhiệm làm lễ báo cáo 2 bên gia đình gồm nghi lễ “Y py a đâ a, y a, ăm” (lễ báo cáo cho bố, mẹ) và “Pôôc xeeq” (đám hỏi).

Lễ vật tại lễ cưới.

Đó là nghi lễ quyết định để đôi trẻ tiến tới hôn nhân, 2 bên gia đình kết tình thông gia bằng lễ cưới theo 2 bước, trong đó “Pôôc đooq” là đám cưới tại nhà trai và “Pa liah, a leq kâr mai” là đám cưới nhà gái. “Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc gặp lại tổ tiên, người Pa Cô trải qua những nghi lễ theo tập tục, truyền thống.

Đó là những nghi lễ vòng đời thể hiện sự trân trọng giá trị hình hài, hồn vía do Giàng ban tặng, cầu mong con người sinh ra lớn lên được khỏe mạnh, trường thọ... Nghi lễ vòng đời thể hiện trình tự chặt chẽ, cung kính như đi lên từng bậc thang, mà quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người Pa Cô là lễ cưới” - già làng Hồ Văn Sếp nói.

Mới sớm tinh mơ, 2 tấm zèng lớn mới được treo trước ngôi nhà sàn báo hiệu nhà có hỷ sự. Nhà trai chuẩn bị sẵn những tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, áo quần, thau, chiếu… Còn nhà gái trước khi đưa con về nhà chồng đã tiến hành nghi lễ xuất gia (Pai a ngôh) và báo cho tổ tiên biết con gái đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Nhà gái mang theo một số lễ vật như: Zèng, gà luộc, gói xôi, số lượng tùy theo điều kiện của gia đình để tiễn con gái về nhà chồng. Tiếp đó, mọi người trong trang phục may bằng zèng (hay còn gọi là thổ cẩm truyền thống), riêng cô dâu áo váy nền đỏ, không có cườm, bên ngoài khoác tấm zèng Pâr lang với ý nghĩa tránh xui xẻo trên đường đi, xuất phát sang nhà trai.

Đến nhà trai, mẹ chồng đợi sẵn ở cổng. Trưởng tộc, cha, mẹ, họ hàng bên phía đàng gái đi chậm lại nhường bước cho cô dâu. Bởi theo tục lệ, lúc này cô phải là người đầu tiên đến gặp mẹ chồng. Cô dâu mặt ửng hồng, bước chân e ấp, rụt rè. Mẹ chồng mỉm cười nắm tay con dâu, tự tay cởi tấm zèng Pâr lang rồi đeo cho cô chuỗi cườm, với thông điệp đón nhận dâu hiền.

Bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc

Tiếng cồng, chiêng… nổi lên tưng bừng chào đón và nhà gái được tiếp đón bằng một bữa tiệc đặc biệt, nhà trai tiếp tục thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cưới, đó là tiễn khách và trao lễ vật, của hồi môn (Pâr choo, Târ lêh).

Nghi thức trao của hồi môn cho nhà gái được thực hiện lần lượt: Trao cho bố, mẹ cô dâu để tạ ơn công sinh thành dưỡng dục con gái lớn khôn ngoan hiền. Trao cho anh, chị cả cô dâu là để gửi gắm quan tâm chăm sóc, dạy bảo em gái thường xuyên những khi ốm đau hay khỏe mạnh.

Trao cho chủ họ để tạ ơn đã lo lắng, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi. “Ngày nay, nhà trai, nhà gái vẫn thực hiện các nghi lễ truyền thống, nhưng không còn tục thách cưới. Nhà trai, nhà gái có lễ vật gì cũng được, miễn cô dâu, chú rể, 2 bên gia đình thông gia yêu thương, hạnh phúc, tình cảm bền chặt” - già làng Sếp cho biết.

Đêm đầu tiên con dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng thực hiện nghi thức “Pa tưưp a đeh, pa cha đooi” để cầu mong cho đôi trẻ tình cảm mặn nồng, hạnh phúc bền lâu, sinh con đẻ cái khỏe mạnh và cuộc sống tốt đẹp hơn, từ nay chính thức làm vợ làm chồng.

Đôi vợ chồng mới cưới ngồi ăn chung 1 chén cơm và 2 quả trứng gà đã luộc sẵn để cầu mong vợ chồng mãi mãi hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Rồi một tuần sau, để 2 gia đình được thuận lợi trong việc qua lại thăm nom nhau mà không phải kiêng cữ, nhà gái lại tiến hành tổ chức lễ cưới tại nhà gái.

Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn khá tươm tất để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái và lòng tự trọng của nhà trai, vì vậy họ thường khiêng theo 1 con heo to và kèm theo của hồi môn khác. Trong lễ cưới này, người đi vào đầu tiên phải là cô dâu, mang theo một chiếc đũa bếp, vừa lên cầu thang vừa thả chiếc đũa đó xuống dưới nhà, có nghĩa từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ, muốn lui tới, thăm nom cha mẹ không phải kiêng cữ nữa…

Khoảng 1 năm sau khi thực hiện lễ cưới tại nhà trai và nhà gái, nhà trai lại tổ chức nghi lễ Pâr đâyh a mânh. 20 năm sau, nhà trai lại thực hiện nghi lễ Pa nâyq plô (chấm dứt của hồi môn) cho nhà gái.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, chia sẻ việc tái hiện lễ cưới truyền thống của người Pa Cô là mong muốn không chỉ giới thiệu với du khách và bạn bè trên mọi miền đất nước bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, mà còn mời gọi du khách đến với A Lưới điệp trùng rừng núi, vùng đất biên cương của Thừa Thiên Huế, cuối con đường đèo dốc mây bay...

Độc đáo lễ cưới người Pa Cô (Phóng sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT)):

BÙI THẢO
saigondautu.com.vn
Approved Trang thai
Các bài khác